DẠO BÁT TRÀNG MUSEUM TRÊN NỀN TẢNG VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT CỦA GOOGLE

DẠO BÁT TRÀNG MUSEUM TRÊN NỀN TẢNG VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT CỦA GOOGLE

Ngoài việc trưng bày hơn 30 tác phẩm độc bản của cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng - người sáng lập bảo tàng, Bát Tràng Museum trên nền tảng Google Arts & Culture còn giới thiệu nhiều câu chuyện văn hoá về nghề và người của làng gốm lâu đời này.

 

Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng (còn được gọi là Bát Tràng Museum) đã ra mắt trên nền tảng Google Arts & Culture - bách khoa toàn thư về văn hóa và nghệ thuật toàn cầu của Google từ năm 2024.

Được biết, Bát Tràng Museum là một trong số ít những bảo tàng tại Việt Nam được xuất hiện trên nền tảng này tính đến thời điểm hiện tại.

Ngoài việc trưng bày hơn 30 tác phẩm độc bản của Cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng - người sáng lập bảo tàng, Bát Tràng Museum trên nền tảng Google Arts & Culture còn giới thiệu nhiều câu chuyện văn hoá về nghề và người của làng gốm lâu đời này. 

Nổi bật là câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của Cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng với 50 năm gắn bó với nghề gốm gia truyền.

Các tác phẩm độc bản của ông có phong cách đặc trưng với kỹ thuật phủ men chồng màu độc đáo tạo nên một biểu cảm lạ cho gốm với độ sâu về không gian, mang đậm hơi thở thời đại và dấu ấn sáng tạo riêng. 

Ngoài ra, triển lãm gây tiếng vang "Chiếc giày gốm Bát Tràng" (2022) với 12 chiếc giày bốt bằng gốm độc bản cùng câu chuyện “Làng cổ Bát Tràng” qua những bức ảnh hiếm thấy được chụp bởi nhiếp ảnh gia Lâm Trúc Quỳnh (LTQ) cũng được chia sẻ trên nền tảng Google Arts & Culture trong lần ra mắt này.

Anh Vũ Khánh Tùng, Giám đốc Bát Tràng Museum chia sẻ: “Bát Tràng Museum vinh dự là bảo tàng ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam được Google Arts & Culture lựa chọn xuất hiện trên nền tảng này. Chúng tôi hy vọng câu chuyện về làng gốm Bát Tràng cũng như di sản để lại là những tác phẩm độc bản cùng phong cách làm gốm độc đáo, riêng biệt của cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng sẽ được tiếp cận nhiều hơn và truyền cảm hứng đến những người yêu nghệ thuật và văn hóa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới”.

Cặp bình khổng lồ được đắp nổi các địa danh nổi tiếng của Hà Nội và các cuộc kháng chiến lừng lẫy của Việt Nam. Tác phẩm được thực hiện nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.



MÂY (Tổng hợp)